Khi quyết định không còn chung sống với nhau, đôi vợ chồng ở Hà Tĩnh ra toà giải quyết ly hôn, phân chia tài sản. Tuy nhiên quá trình hoà giải tại toà diễn ra gay gắt, cả nguyên đơn và bị đơn đề nghị bắt hết cá dưới hồ lên để chia đôi.
Đầu năm 2022, TAND H.Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhận được đơn khởi kiện của chị N.T.H.T. (ngụ tại xã Tân Lâm Hương, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) về việc đề nghị ly hôn với chồng là anh N.H.M.
Theo trình bày của chị T., vợ chồng chị này kết hôn với nhau vào năm 2015 và đến nay có 2 con chung. Trong quá trình chung sống, hai vợ chồng có tạo dựng được một thửa đất ở gần nhà rộng 120 m2. Ngoài ra, vợ chồng anh M. có thuê 1 thửa đất rộng hơn 3.900 m2 ở trong xã để nuôi trồng thủy sản.
Sau một thời gian chung sống thì hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân chị T. cho biết là do anh M. thiếu sự quan tâm chăm sóc gia đình và có hành vi bạo hành vợ. Do vậy, chị T. đã làm đơn khởi kiện về tranh chấp ly hôn, chia tài sản chung, nợ chung và giải quyết nuôi con.
Về tài sản, chị T. yêu cầu chia đôi thửa đất 120 m2 mà hai vợ chồng đã tạo lập được trong quá trình chung sống và phân chia tài sản hình thành trên đất của thửa đất đang thuê để nuôi trồng thủy sản cho tất cả 4 thành viên trong gia đình.
Còn về phía bị đơn, anh M. cho rằng sau khi sống chung với nhau một thời gian, do chị T. thiếu sự thông cảm, chia sẻ nên vợ chồng mới xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Do bất đồng quan điểm nên hai vợ chồng ly thân. Tuy nhiên, anh M. không mong muốn vợ chồng ly hôn, nhưng do chị T. nhất quyết nên đành phải đồng ý.
Đến tháng 10.2022, TAND H.Thạch Hà đã mở phiên tòa dân sự sơ thẩm xét xử công khai vụ án hôn nhân gia đình nêu trên. Phiên tòa do ông Nguyễn Khắc Hoàn, Phó chánh TAND H.Thạch Hà làm thẩm phán. Tại phiên toà, hai bên thống nhất phân chia các khoản nợ, quyền nuôi con và phân chia một số tài sản hình thành trong hôn nhân.
“Có sự việc rất hy hữu chưa từng có trong lịch sử tố tụng ở Hà Tĩnh liên quan đến vụ án này là bà vợ yêu cầu tòa bắt toàn bộ số cá trong hồ tại khu đất mà hai vợ chồng đang thuê lên để chia đôi. Bà vợ cho rằng trong ao hiện có khoảng 2 tấn cá với giá 70.000 đồng/kg. Người chồng thì cho rằng trong hồ chỉ có 1 tấn cá, không cần phải bắt lên để làm gì, vừa mất thời gian, vừa tốn thêm phí thuê người”, ông Hoàn kể.
Ông Hoàn nói rằng, trong 7 năm là thẩm phán, trực tiếp xét xử hàng trăm vụ hôn nhân gia đình, song đây là lần đầu tiên ông bắt gặp tình huống hy hữu như vậy.
“Tôi có giải thích với bà vợ rằng những tài sản nhìn thấy, cầm nắm thì rất dễ định lượng để phân chia, còn cá dưới nước thì nên ước lượng để chia đôi chứ thuê người bắt lên thì tốn công và mất thêm chi phí. Cá sống dưới nước cũng có con lớn, con bé nên không thể có giá trị cao như vậy được. Trước yêu cầu của nguyên đơn như vậy chúng tôi buộc phải dành phần này để hòa giải sau, vì phải đi thực tế để kiểm tra xem số lượng cá thế nào”, ông Hoàn nói.
Trong những buổi hòa giải sau đó, vị thẩm phán tiếp tục nêu ra số lượng cá hiện có trong hồ mà ông nắm bắt được qua quan sát mắt thường và thông qua kinh nghiệm của một người chuyên nuôi trồng thủy sản.
Tại buổi hòa giải cuối cùng, các đương sự thống nhất là lượng cá dưới hồ là 1 tấn với giá bán 30.000 đồng/kg. Anh M. phải đưa lại cho chị T. một nửa số tiền quy ra từ việc thống nhất số lượng cá.
“Hiện nay cơ bản chúng tôi đã giải quyết thành công việc phân chia tài sản trong vụ án dân sự ly hôn của cặp vợ chồng nêu trên. Tuy nhiên, người vợ cũng đã kháng cáo và đang chờ phúc thẩm từ TAND tỉnh”, ông Hoàn thông tin.